Thái Nguyên "Đệ nhất danh trà"

Khu ẩm thực T.P Thái Nguyên được bày xếp bên đường Thanh Niên. Một dãy quán tựa lưng vào tường bao của Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam. Các cửa quán đều được làm hướng ra sông Cầu. Ở khung cảnh lãng mạn đầy chất thơ ấy dễ gợi cho thực khách một nghĩ suy mơ mộng, lãng quên vội vã, nhọc mệt để nhẩn nha nhâm nhi chèn trà, ngắm cầu Gia Bảy, hóng ngọn gió lành từ lòng sông mang lại.

Người uống trà không ồn ào, lặng lẽ thưởng thức và chiêm nghiệm. Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3, năm 2015 được tổ chức vào đúng tuần trăng của đầu vụ lạnh. Bên bàn trà, mười ngón tay người thưởng ẩm cứ xoắn bện lấy cái chén sành để cảm nhận hơi ấm. Mỗi lần chiêu ngụm nước mỏng lại chép miệng, luận bàn về trà. 1/5 quốc gia trên thế giới có chè (40 nước). Từ chè, nhân loại đã chế biến ra hàng nghìn loại sản phẩm mang lại nguồn lợi lớn cho con người. Trên thế giới, người Nhật Bản tự hào có vùng chè Wazuka và Shimada; người Srilanka tự hào có vùng chè Nuwara Eliya; người Trung Quốc tự hào có vùng chè Hồ Nam, Hồ Bắc, Chiết Giang... thì người Việt Nam tự hào có vùng chè Lâm Đồng, Yên Bái, Phú Thọ... Nhưng Thái Nguyên vẫn là đệ nhất danh trà của Việt nam.

Từ trăm năm nay, chè Thái Nguyên đã nức tiếng cả nước bởi hương thơm, vị đượm.


Từ trăm năm nay, chè Thái Nguyên đã nức tiếng cả nước bởi hương thơm, vị đượm. Không dừng ở đó, người vùng chè Thái Nguyên đã “chắp cánh” cho hương chè của đồng đất quê mình vượt đại dương đến với người tiêu dùng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Cũng từ ấm trà, nhiều người trên thế giới biết đến Việt Nam, rồi tìm về Thái Nguyên, nơi được ví là đệ nhất danh trà Việt để thăm thú, thưởng thức. Đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước quốc tế, từ năm 2011, tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng, mở mang thêm các tuor, tuyến du lịch về những vùng chè đặc sản. Nổi bật như công trình Không gian Văn hoá Trà Tân Cương. Đến đây, du khách được ngắm nhìn những hiện vật cổ trà bằng sành xứ có niên đại hàng trăm năm tuổi; được hiểu thêm về nguồn gốc, xuất xứ cây chè và kỹ thuật chế biến chè của người Thái Nguyên.

Sau 5 năm mở cửa, Không gian Văn hoá Trà Tân Cương đã đón tiếp hơn 60 nghìn lượt du khách, trong đó có gần 10 nghìn lượt du khách nước ngoài đến tham quan, thưởng trà. Trong số họ, có nhiều người tìm về những vùng chè đặc sản của Thái Nguyên ở La Bằng, (Đại Từ), Minh Lập (Đồng Hỷ), Tức Tranh, Vô Tranh (Phú Lương) và vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên)… để được cùng nông dân trải nghiệm.

Với du khách, đó là một trong những tuor du lịch ý nghĩa, thoả sức phóng mắt nhìn dưới bầu trời cao rộng là bạt ngàn đồi chè, với từng nét cắt ngẫu hứng của hàng chè, lô chè, tạo nên một bức tranh thiên nhiên lạ lẫm, cuốn hút. Đứng dưới nền xanh của mây, trên nền xanh của chè, chợt nhận thấy lòng mình khoan khoái, và từ đâu đó có câu Sli, câu lượn cất lên cùng tiếng đàn tính rộn ràng. Câu hát của người thôn nữ xứ trà nhẹ như ngọn gió mang ra từ mé núi Tam Đảo, như được cất lên từ lòng sông Công, sông Cầu. Lại chợt bên nương chè, câu chuyện tình đẫm lệ của chàng Cốc, nàng Công đưa du khách về miền thực tại. Trong tíu tít nói cười, trên tán chè, bàn tay du khách lóng ngóng hái từng búp non, bỏ vào chiếc rổ nhỏ, tự tay nhóm lò, bắc chảo gang sao chè.

Câu chuyện tình đẫm lệ của chàng Cốc, nàng Công đưa du khách về miền thực tại


Từng công đoạn đều được nghệ nhân xứ trà hướng dẫn. Những nghệ nhân vùng chè có danh hiệu Vàng cũng nhờ từ đôi tay cảm nhận thấu đáo nhiệt lượng của ngọn lửa, hiểu được “tâm tính” cây chè mới lựa lửa củi để kỳ công làm được thứ chè ngon. Dù được tặng danh hiệu Vàng cho đôi bàn tay, nhưng nghệ nhân xứ trà Thái Nguyên sống khiêm tốn, mến người, luôn sẵn lòng mở cửa nhà mình đón khách, đưa du khách đi thăm thú đồi chè, hướng dẫn cho du khách hái chè, sao chè, nghệ thuật pha, mời trà, cách thưởng trà. Phục vụ du khách ăn, nghỉ trong thời gian tham quan vùng chè. Những sản phẩm chè du khách thu hái, chế biến, được coi như chút quà tâm giao của gia đình biếu tặng cho du khách mang về mời tặng người thân.

Bên ấm trà, du khách kể lại cho người thân nghe về vùng chè Thái nguyên. Một vùng đất “sơn thuỷ hữu tình”, có nắng ấm trung du, có hơi gió mang về từ đại ngàn, có giọt sương sớm mai no tròn lấp lánh như ngọc đọng lại trên lá búp. Ở đấy, bao bàn tay sơn nữ thon mềm hằng ngày thu hái, rồi nhào luyện trên chảo lửa để vô vàn búp chè trở nên tinh tuý hiến dâng cho con người.

 


Trên vùng chè, các dòng họ, đời trước truyền lại cho đời sau những kinh nghiệm làm ra chè đặc sản. Cả những tinh hoa được chắt gạn, đọng lại, làm nên một văn hoá ẩm thực độc đáo về chè. Với Người Việt Nam, dù trên dọc dài đất nước, có rất nhiều vùng chè, nhưng trong nghĩ suy mỗi người đều nhắc nhớ về chè Thái Nguyên. Nên nhà có việc đều muốn tìm mua chè Thái Nguyên để sử dụng, phổ biến nhất là trong việc tạo dựng hạnh phúc cho con cháu; làm quà biếu người thân; làm lễ vật dâng lên ban thờ tổ tiên; đãi đằng bạn tri âm, tri kỷ…

Nhân Festival Trà, về vùng chè Thái nguyên, Du khách trong nước, quốc tế được thưởng ngoạn một vùng đất trời non xanh nước biếc, được thưởng thức thứ trà mang hương vị độc đáo chỉ ở nơi đệ nhất danh trà Thái Nguyên mới có.
Phạm Ngọc Chuẩn - Báo Thái Nguyên 
To Top